Tìm hiểu thép gập – Damascus / Hada
Vài dòng về Damascus, Hada và các loại thép gập nói chung. Có nhiều người đã nghe quen tai từ “Damascus” (thép gập kiểu Hồi Giáo), và mặc định nó là thép gập nhiều lớp, nhưng chưa thực sự hiểu nó gập như thế nào, gồm những loại thép ra sao, và vì sao phải gập? Đồng thời cũng không có nhiều khái niệm về “Hada” (thép gập kiểu Nhật).

Đầu tiên, nói về công năng/ mục đích chính của thép gập đó chính là tăng kết cấu, cụ thể là tăng tính chịu lực (nhất là ở phương ngang so với lưỡi bén). Ngoài ra trong quá trình gập, rèn thép, thợ rèn còn cho nhiều kim loại khác vào để làm vững bền thêm khối thép đang được rèn. Mọi người thường hay có ngộ nhận, thép tốt là phải bén (?!). Điều này thật lố bịch, bén hay không bén, đều chả liên quan gì tới thanh thép, mà nó nằm ở góc mài. Điều này có nghĩa là, một miếng đồng thau mềm hơn thép vẫn có thể mài bén được bình thường. Cái quan trọng là giữ được độ cứng, cũng như tính chịu lực như thế nào. Về độ cứng và tính chịu lực của thép, thường là do cách trui và ram quyết định. Tuy nhiên riêng “tính chịu lực” thì có thể gia cố thêm bằng cách rèn thép nhiều lớp, cụ thể ở đây là “damascus” hoặc “hada”. Vậy hai tên gọi này, khác nhau như thế nào, dù cùng ám chỉ là thép gập.
1. Damascus: Thời xưa, kỹ nghệ luyện kim chưa tốt, nên thép không được ưng ý. Chính vì thế mà thợ rèn pha trộn nhiều kim loại khác nhau vào trong phôi thép chính để gia cố thêm tính chịu lực cho nó. Ở damascus, tùy vào từng vị trí trên lưỡi mà thợ rèn sẽ phân bố các kim loại có tính chịu lực khác nhau, để khi đập ra thành phẩm cuối cùng, những thanh kim loại khác nhau đó sẽ nằm ở những vị trí theo đúng ý họ mong muốn.
2. Hada: Thợ rèn luyện từ quặng lên một khối kim loại kèm phụ gia (Oroshigane), và cứ thế nhào nặn nó theo những kỹ thuật riêng để cho ra một khối thép nhiều lớp – đó chính là hada. Và khi rèn lưỡi kiếm, họ sẽ xẻ để nhét/ bố trí một thanh thép khác cứng hơn làm lõi để cho ra lưỡi kiếm. Tùy vào kỹ thuật mà có rất nhiều loại hada khác nhau, cũng như cách bố trị vị trí cứng mềm trên lưỡi khác nhau của từng người thợ.
Nếu để ý, thép gập thường áp dụng cho các lưỡi kiếm/ gươm dạng mỏng, cong. Phân tích một thanh kiếm dưới góc độ chém qua một mục tiêu cụ thể là cơ thể người, lưỡi kiếm sẽ có biên độ dao động nhất định (rung, lắc), chính lúc này thép gập sẽ phát huy tác dụng của nó trong việc chịu được tác động rung lắc này. Bản thân lưỡi kiếm cong cũng đã hạn chế được sự lắc ngang của lưỡi so với lưỡi kiếm thẳng vì nó trượt qua chứ không kẹt lại nhiều tại mục tiêu. Những điều trên giúp lưỡi kiếm không bị gãy ngang khi chiến đấu – một thanh kiếm bị gãy trên chiến trường thì nó sẽ biến thành khối sắt vụn vô nghĩa.
Về những câu chuyện mang tính huyền thoại về thép gập có thể chém sắt như chém bùn, làm các hiệp sĩ Châu Âu kinh hãi thời Thánh Chiến. Thép tốt chỉ quyết định một phần trong chuyện này, cái quan trọng là kỹ thuật của người chém và kết cấu thanh kiếm. Kiếm Châu Âu thời đó thường là kiếm dài (long sword), để đâm, đập, cứa, cầm bằng hai tay cùng giáp trụ nặng nề, ngựa cũng mang giáp trụ nặng, nên di chuyển và động tác chậm chạp trở thành mục tiêu dễ dàng cho kỵ binh Hồi giáo có tốc độ nhanh khi giáp chiến. Kỵ binh Hồi giáo thường mang giáp trụ nhẹ, lưỡi kiếm cong (một dạng như saber – kiếm chém), và ngựa có ưu thế tốc độ khi chạy trên địa hình quen thuộc. Tốc độ tạo nên sức mạnh đáng ngạc nhiên khi lao vào, kết hợp với lưỡi kiếm cong sẽ trượt nhẹ nhàng qua vật bị cắt (lực chính bằng sức ngựa, chứ không phải dùng tay chém), thì việc chém đứt được giáp có thể xảy ra được ở ngay cú va chạm đầu tiên khi cưỡi ngựa sượt qua nhau. Thanh katana hoặc tachi cũng vậy, đều dựa trên phom cong để trượt qua mục tiêu khi cắt. Phom cong có nhiều ưu thế về tốc độ, lực trượt giảm phản chấn sau cú chém, kết hợp với lưỡi kiếm có thể chịu lực phương ngang tốt khi rung lắc lúc cắt qua mục tiêu, tất cả những yếu tố trên hợp thành sức mạnh dễ bị hiểu làm về “thép gập nói chung”. Vì bản thân thép gập, chỉ có một tác dụng mạnh mẽ nhất, đó chính là tăng tính chịu lực. Chỉ đơn giản vậy thôi, không hơn không kém. Yếu tố thẩm mỹ chỉ là phó sản của quá trình gập thép.